Chân lý ?
- Hạnh Nguyên
- Mar 29, 2020
- 3 min read
Updated: Apr 1, 2020
Người phương Tây hay thắc mắc: Phật giáo là một tôn giáo hay một triết học? Rằng tôn giáo thì cũng không đúng, rằng triết học lại càng không được, theo cái nghĩ thông thường của nó. Nhưng mà cần gì, ai muốn gọi nó là gì cũng đặng. Nó là nó, bất cứ dưới một nhãn hiệu nào. Cái nhãn hiệu "Phật giáo" mà người ta thường dùng để gọi nó, thực ra không phải là điều quan trọng. "Một đóa hoa, dù kêu nó là hoa hường, là hoa rose, hay là kêu nó bằng một danh từ nào khác cũng được, nó cũng vẫn là thứ hoa thơm một cái mùi thơm riêng biệt của nó". Chân lý là chân lý dù dưới hình thức nào: Công giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo, v.v... Chân lý không là độc quyền của ai cả, cũng không thể chứa đựng trong một hệ thống hay giáo phái nào hữu hạn, hà huống lại bị chứa đựng trong một danh từ hạn định.
Những nhãn hiệu có tánh cách biệt lập thành một giáo phái thường dễ gây nơi lòng người những thiên kiến tai hại làm trở ngại rất nhiều sự thông hiểu Chân Lý, mà chỉ giúp cho người ta thấy được có một khía cạnh nào của Chân Lý mà thôi.
Người ta là người ta: sự phân chia dưới những hình thức khác nhau như người Tàu, người Ấn, người Anh, người Mỹ... đều là giả tạo cả. Bất quá có những tiểu dị bên ngoài mà tựu trung đều có một tâm hồn như nhau, dù ở dưới hình thức màu da, dân tộc nào, dù sống ở dưới gầm trời chế độ nào. Tất cả mọi tâm tư thầm kín đều giống nhau cả.
Phần đông lại đi quá xa trong khi họ đem những tâm tình chung của loài người mà chia phân đẳng cấp. Ví dụ như lòng bác ái. Thế mà có nhiều kẻ lại nhân đó mà phân chia ra nhiều thứ bác ái, nào là bác ái của nhà Phật, bác ái của nhà Thiên Chúa và xem những thứ bác ái khác là thấp kém! Bác ái là bác ái nếu thật là bác ái, bác ái không thể của riêng một học phái nào cả. Cũng như tình yêu của bà mẹ Việt Nam hay của bà mẹ Trung Hoa hay Anh, Mỹ... Những đức hay tật xấu của con người như tình yêu, tình bè bạn, tình yêu nhân loại, lòng khoan dung hay sự thù hằn, ác độc, ngu muội, tự cao, v.v... không phải là những đức hay tật xấu của riêng một tôn giáo nào hay của một dân tộc nào! Một người có lòng nhân, dù họ là người của tôn giáo nào hay thuộc một tôn giáo nào, vẫn là một người nhân, không ai hơn ai cả.
Thật ra, đi tìm để biết cái ý kiến này hay ý kiến kia là do ai viết ra hay nói ra, không phải là điều quan trọng, đối với kẻ tìm Chân Lý. Quan tâm đến người nó sẽ là một chứng ngại cho sự hiểu biết khách quan, vì cái tên tuổi tốt hay xấu của người nó dễ ám thị óc phán đoán của mình thành thiên lệch.
Cái tinh thần "Tử viết" là tinh thần của những kẻ nô lệ, người học Phật phải cố mà tránh xa.
Trích: "Phật học tinh hoa" - Thu Giang Nguyễn Duy Cần.
Ngày Chủ nhật thảnh thơi, yên bình bên vườn cây bé nhỏ, ngắm nhìn những mầm non mới nhú. Nhấm nháp ly trà chiều, một suy nghĩ thoáng qua: "Có cần gì phải mang nhãn hiệu Phật mới là Phật. Có cần gì phải mang nhãn hiệu Phật giáo mới nói lên những lời nói của Phật. Chân lý là chân lý, như nó vốn chính nó và ta mãi là chính ta ".

Comments